Năm 2017, doanh số bán xe máy quay đầu giảm. Tuy nhiên, dù giá xe ngày càng đắt nhưng nhiều người chuyển hướng, bỏ xe cũ, xe số sang sắm xe ga đắt tiền, khiến phân khúc này đắt khách và doanh nghiệp xe máy lãi lớn.
Xe đắt tiền bán chạy
Bước sang quý 4/2017, tiêu thụ xe máy của các thành viên VAMM không như kỳ vọng. Vì vây, ước cả năm, 5 doanh nghiệp thành viên gồm Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio Việt Nam chỉ tiêu thụ được khoảng 2,9 triệu chiếc, tương đương với doanh số năm 2015. Các DN xe máy 100% vốn trong nước, tiêu thụ khoảng 50.000 chiếc.
Tuy nhiên, nhu cầu về xe tay ga vẫn tăng. Năm 2017 chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ các loại xe số phổ thông sang các dòng xe tay ga cao cấp và các dòng mô tô thể thao (phân khối lớn), còn phân khúc xe số sụt giảm mạnh.
Vì thế, tỷ lệ xe tay ga năm 2017 tăng lên gần 60%, trong khi xe số lại giảm về mức 40%. Không chỉ tăng trưởng nhanh tại khu vực thành thị, phân khúc xe tay ga cũng tăng mạnh tại các vùng nông thôn. |
Không chỉ tăng trưởng nhanh tại khu vực thành thị, phân khúc xe tay ga cũng tăng mạnh tại các vùng nông thôn. Người Việt Nam thích xe ga và có xu hướng chuyển mạnh sang các dòng xe cao cấp. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những dòng xe cao cấp, trang bị công nghệ mới, hiện đại bán khá tốt, giám đốc marketing một DN xe máy FDI cho biết.
Nhu cầu về xe nhập khẩu, trong đó có xe phân khối lớn, xe tay ga giá từ 70 triệu đồng trở lên năm 2017 cũng tăng cao hơn năm ngoái. Theo Cục Đăng kiểm, số lượng xe nhập khẩu năm nay đã tăng gần 20.000 chiếc so với năm 2016.
Nhu cầu xe tay ga, xe phân khối lớn tăng phản ánh xu hướng tiêu dùng và thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng lên.
“Ông lớn” xe máy lãi đậm
Tuy nhiên, trong số 5 thành viên của VAMM thì có 3 doanh nghiệp gặp khó khăn, đó là Suzuki, SYM và Piaggio Việt Nam. Trong khi đó, Honda Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng và tiếp tục mở rộng thị phần.
Thời điểm cuối năm 2017, các mẫu xe tay ga của Honda Việt Nam rất hút khách và rơi vào cảnh “cháy hàng”. Giá bán của dòng xe tay ga cao cấp như SH Mode, SH 150i, SH 125i, Lead, Vision,... đã bị các đại lý đẩy lên cao hơn từ 5-26 triệu đồng so với giá niêm yết.
Sự yêu thích nhãn hiệu Honda của người Việt đang mang lại lợi nhuận khủng cho nhà sản xuất. |
Sự yêu thích nhãn hiệu Honda của người Việt Nam đang mang lại lợi nhuận khủng cho nhà sản xuất. Tháng 9/2017, Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), đối tác góp vốn trong Honda Việt Nam, đã phát hành Báo cáo tài chính năm 2016, cho thấy, lợi nhuận được chia từ Honda Việt Nam là 7.965 tỷ đồng.
Tại liên doanh này, VEAM góp 30% vốn điều lệ. Như vậy, có thể ước tính mức lợi nhuận Honda Việt Nam đạt được trong năm 2016 tại Việt Nam là khoảng 24.000 tỷ đồng, vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Nếu doanh số bán xe máy năm ngoái của Honda Việt Nam là 2,1 triệu chiếc thì năm 2017, ước tính con số này đạt trên 2 triệu chiếc, như vậy lợi nhuận thu về cũng rất cao. Bởi, tiêu thụ xe tay ga nhiều hơn xe số và giá xe tay ga cũng cao hơn xe số cùng hãng từ 1,5-4 lần.
Theo ý kiến từ một doanh nghiệp xe máy, lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xe máy vẫn luôn ở mức từ 10-20%, bất chấp thời gian qua doanh số bán có giảm. |
Để duy trì được lợi nhuận, khi sản lượng xe suy giảm, việc tăng giá là một giải pháp. Tất nhiên, để có lý do tăng giá chính đáng, các doanh nghiệp phải nhanh chóng nâng cấp, trang bị, ra mắt các phiên bản mới. Đặc biệt, trong số đó, không ít mẫu xe chỉ cần thay bộ tem dán, phun nước sơn mới cũng đã tăng giá cả triệu đồng. Điều này đã làm cho giá xe bình quân cứ tăng lên chứ không hề giảm.
Các DN như Suzuki, SYM và Piggio Việt Nam cũng không hề bị thua lỗ, vẫn có lợi nhuận, cho dù doanh số bán giảm.
Cấm xe máy hay không?
Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính đến đầu năm 2017, số xe máy đăng ký trên toàn quốc đạt 49 triệu chiếc. Xe máy tập trung nhiều nhất tại TP.HCM với khoảng 8 triệu chiếc và Hà Nội gần 6 triệu chiếc.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM vì nó là thủ phạm gây ra tai nạn giao thông, tắc đường và ô nhiễm môi trường, cùng với đó là đem lại sự nhếch nhác cho bộ mặt của các đô thị.
Tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân TP, tại kỳ họp đầu tháng 7/2017 đã thông qua nghị quyết về đề án: tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, giai đoạn từ 2025-2029, Hà Nội từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030. Thành phố đã xây dựng kế hoạch, theo lộ trình từ hạn chế đến dừng hoạt động xe máy vào 2030.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cấm xe máy cần tính toán kỹ lưỡng bởi không sẽ ảnh hướng đến đời sống người dân. Để loại bỏ xe máy, cần có hệ thống giao thông công cộng phát triển, thuận tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Một số chuyên gia về giao thông cho rằng, Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển vận tải công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50-55%, liệu có quá tham vọng?
Ông Yano Takeshi - Chủ tịch VAMM, cho rằng, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và khó có thể thay thế, trong ít nhất 10 năm tới, vì tính kinh tế và sự tiện lợi của nó. Đường phố nhỏ hẹp, khu dân cư sinh sống nhiều ngóc ngách, quỹ đất bị hạn chế. Đó là những lý do khiến xe máy trở thành phương tiện đi lại được người dân ưa chuộng. |
Hiện vận tải công cộng mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cho hạ tầng, giao thông công cộng để thay thế xe máy đều đòi hỏi nguồn vốn lớn, lấy đâu để triển khai? Trong khi, các dự án đang triển khai đều chậm tiến độ kéo dài. (Nguồn VNexpress)